Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh vàxác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìnđến năm 2030” tại Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng năm 2024

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác định điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Kế hoạch số 147/KH-BCĐĐA06YT ngày 31/01/2024 của Ban chỉ đạo Đề án 06 Ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng về việc Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác định điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong ngành Y tế Lâm Đồng năm 2024;
Bệnh viện Nhi xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2024
như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Xác định chủ đề trong năm 2024 là “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số” để xác định các nhiệm vụ và đề ra lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng.
2. Phát huy trách nhiệm, sự tập trung chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị cũng như toàn thể viên chức, người lao động trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06.
3. Phân công cụ thể nhiệm vụ thực hiện đối với từng nhiệm vụ của Đề án 06 lĩnh vực Y tế; kiểm tra, giám sát và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

II. NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai.
a) Tham mưu người đứng đầu đơn vị triển khai giám sát công tác thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 lĩnh vực Y tế tại đơn vị.
b) Dự trù kinh phí, tổng hợp và báo cáo Ban Chỉ đạo Đề án 06 Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng về triển khai thực hiện Đề án 06 lĩnh vực Y tế tại đơn vị.
c) Rà soát và báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 định kỳ hàng tháng, quý, năm.
2. Nhóm tiện ích phục vụ cung cấp dịch vụ công
– Nhóm nhiệm vụ theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 02/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh:
– Chủ động thực hiện các nhiệm vụ Đề án theo lộ trình các nhiệm vụ trong năm 2024, gồm:
+ Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 và Nghị định 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định.
– Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, gồm:
+ Lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật,…); chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tộc thiểu số, các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin hạn chế thực hiện thủ tục hành chính, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.
+ Có phương án đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động.
+ Đẩy mạnh cung cấp, thực hiện thanh toán trực tuyến.
+ Tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo đúng quy định những cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. 
    Về hạ tầng công nghệ:
– Triển khai ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động quản lý hành chính, khám bệnh, chữa bệnh.
– Nâng cấp hệ thống hạ tầng, phần mềm đảm bảo thiết bị đầu cuối được kết nối với hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
– Thường xuyên rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin theo Kế hoạch số 1473/KH-SYT của Sở Y tế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu số hóa, lưu trữ dữ liệu, xem đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm việc triển khai thành công Đề án 06 trong ngành Y tế.
    Một số nhiệm vụ cụ thể:
– 100% Giấy báo tử và các loại chứng từ khác (khi có hướng dẫn, yêu cầu) được liên thông lên Cổng giám định BHYT triển khai Đề án 06.
– Tham mưu, bố trí hệ thống máy, trang thiết bị (máy scan, máy quét thẻ CCCD, máy vi tính…) phục vụ triển khai đề án 06/CP.
– Triển khai ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động quản lý hành chính, khám bệnh, chữa bệnh, đơn thuốc điện tử.
3. Phát triển tiện ích xã hội
– Duy trì, nâng cao tỷ lệ sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh; bố trí trang bị đầu đọc thẻ theo tiêu chuẩn quy định.
– Phát triển tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển ứng dụng đa dạng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
– Thực hiện khai báo lưu trú trực tuyến tại đơn vị, phối hợp với Công an trên địa bàn để phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý cư trú, làm giàu dữ liệu dân cư và từng bước số hoá dữ liệu bệnh nhân.
4. Phát triển dữ liệu y tế
– Phối hợp gửi dữ liệu KCB đến Trung tâm điều hành thông minh (IOC) ngành Y tế Lâm Đồng, cơ sở dữ liệu quốc gia khi được yêu cầu.
– Khai thác thông tin mã định danh cá nhân/CCCD của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh để lưu vào hồ sơ bệnh án, làm cơ sở liên thông dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
5. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
Đảm bảo hạ tầng Công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu về Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thông tin, an ninh mạng; thường xuyên rà soát, củng cố, an toàn, an ninh thông tin các thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho triển khai Đề án 06.
6. Công tác tuyên truyền
Tuyên truyền, phổ biến, cập nhật, cung cấp thông tin đầy đủ, sâu rộng đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các nội dung liên quan đến Đề án 06, các tiện ích bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được hưởng;
7. Công tác đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm
Chủ động rà soát, điều động nhân viên phụ trách hoặc được đào tạo, có kinh nghiệm về Công nghệ thông tin tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về triển khai Đề án 06.
III. GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện; nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06 trong giai đoạn hiện nay. Các khoa phòng trong bệnh viện phải phát huy tinh thần chủ động trong việc nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Đề án Đề án 06 các cấp rà soát, đánh giá toàn diện các nhiệm vụ đã được phân công và triển khai đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả tất cả các nhiệm vụ.
2. Khẩn trương giải quyết các “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06 tại đơn vị: rà soát, bổ sung thiết bị phục vụ công tác thiết yếu của Đề án 06; thường xuyên rà soát,bổ sung kiện toàn nguồn nhân lực và triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, nhất là trình độ công nghệ thông tin, an toàn thông tin.
3. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hoá dữ liệu chuyên ngành, kết hợp với làm sạch dữ liệu, cập nhật, bổ sung, làm giàu dữ liệu phục vụ kết nối chia sẻ, tái sử dụng; đồng thời, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
4. Nâng cao hiệu quả ứng dụng các tiện ích của Đề án 06, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu chính đáng của người dân; nâng cao tỷ lệ sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.
5. Nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ triển khai mô hình điểm ứng dụng Đề án 06 do Sở Y tế chủ trì và các mô hình điểm phối hợp triển khai (triển khai khai báo lưu trú trực tuyến tại đơn vị…), nâng cao tỷ lệ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực y tế…
6. Chủ động tổ chức hoặc phối hợp bằng nhiều hình thức, tuyên truyền sâu rộng đến viên chức, người lao động và bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của Đề án 06 theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Nội dung tuyên truyền phải bám sát với mục tiêu cụ thể cần thực hiện trong từng thời điểm, tập trung vào các nội dung cơ bản của Đề án 06.
7. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án 06 để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, làm rõ nguyên nhân để tham mưu, hướng dẫn xử lý kịp thời. Đồng thời, đề xuất khen thưởng, động viên đối với những tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, cách làm khoa học, sáng tạo và chấn chỉnh, xử lý những tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc nội dung, yêu cầu nhiệm vụ được giao.
8. Quán triệt, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống Đề án 06. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy định về quản lý, khai thác các hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin. Nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, nguy cơ làm mất an ninh, an toàn, bảo mật thông tin.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch này bao gồm: Ngân sách nhà nước, nguồn phát triển sự nghiệp của đơn vị, kinh phí tự chủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Tổ chức hành chính
– Đề xuất khen thưởng, động viên đối với những tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, cách làm khoa học, sáng tạo và chấn chỉnh, xử lý những tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc nội dung, yêu cầu nhiệm vụ được giao.
– Triển khai các biện pháp tăng tỷ lệ sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử.
2. Phòng Tài chính kế toán
– Là đầu mối tổng hợp kinh phí triển khai đề án trình Ban Chỉ đạo Đề án 06 Sở Y
tế tỉnh Lâm Đồng khi có yêu cầu;
– Chủ động triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện thanh toán không
dùng tiền mặt tại đơn vị.
3. Phòng Kế hoạch tổng hợp & điều dưỡng
– Xây dựng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, phát triển chính quyền số theo Đề án 06/CP;
– Chủ trì, phối hợp chỉ đạo khoa, phòng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là việc sử dụng Căn cước công dân gắn chíp trong đăng ký khám bệnh, chữa bệnh;
– Chủ trì hoàn chỉnh các quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử, quy trình khám, chữa bệnh từ xa;
– Triển khai thống kê y tế điện tử. Sử dụng cơ sở dữ liệu y tế để kết xuất số liệu phục vụ cho công tác kế hoạch, quản lý y tế;
– Căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện. Tham mưu cụ thể về nâng cấp và mua sắm trang bị thiết bị công nghệ thông tin của đơn vị trong quá trình phát triển chính quyền số. Kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch;
4. Tổ Truyền thông giáo dục sức khỏe
– Tuyên truyền sâu rộng đến viên chức, người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án 06.
5. Các khoa phòng trong bệnh viện
– Tùy thuộc vào chức năng nhiệm vụ của khoa, phòng chủ động phối hợp triển khai các nội dung hoạt động thuộc kế hoạch. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của nhân viên.
– Thực hiện tuyên truyền tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID, thay thế thẻ BHYT bằng giấy truyền thống.

Kế hoạch triển khai đề án 06 năm 2024 BVNHI_Signed

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *